Bức tranh thôn Choản Thèn, xã Y Tý được vẽ trên tường một ngôi nhà homestay
Tôi được sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, nơi địa đầu tổ quốc. Tôi luôn tự hào được là người con của vùng đất biên cương, với những núi non điệp trùng, với dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, có đỉnh núi Fanxipan, hay Ngũ Chỉ Sơn lượn lờ mây phủ, là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, chở nặng phù sa qua nhiều tỉnh thành trước khi hoà cùng biển lớn. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình và những tiếng cười hào sảng của 27 dân tộc anh em, giữa chốn núi non ngập tràn màu sắc của váy áo thổ cẩm, và sắc trắng sáng loà bừng lên trong nắng của những trang sức bạc đang nhảy múa leng keng theo mỗi bước chân của các chị các em, xôn xao tiếng cười giọng nói ở khắp các nẻo đường xuống chợ. Tôi đắm say bầu không khí rộn ràng mang hơi thở đặc trưng, hồn nhiên, mê say và vô cùng cuốn hút ấy của vùng rừng!
Tôi luôn dễ dàng bị quyến rũ bởi những sắc màu văn hoá, do đó khi nghe cô bạn học thông báo rằng mai (ngày 02/7/2022) sẽ có lễ hội Khô Già Già – lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Hà Nhì ở Y Tý, thì chúng tôi đã lập tức thu xếp công việc để có thể nhanh chóng chạy đến nơi có những ngôi nhà trình tường Bát Xát, và chỉ ước rằng mình có thể bay đến đó ngay để được thỏa thích tìm hiểu, khám phá và hoà mình vào không gian văn hoá, lễ hội đó!
Vẫn biết là đường rất khó đi, theo chỉ dẫn của google map, chúng tôi hăng hái lên đường! Từ thành phố Lào Cai, theo đường tỉnh 158 và 155, chúng tôi lần lượt đi qua những địa danh của huyện biên giới Bát Xát, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, qua Mường Vi có gạo Séng Cù, qua Bản Xèo có miến dong của người dân tộc Giáy, qua Mường Hum có “Suối Mường Hum chảy mãi”, qua Sàng Ma Sáo có đỉnh núi Nhìu Cồ San nổi tiếng xinh đẹp trên khắp các cộng đồng những người yêu leo núi, qua cá hồi Dền Sáng … Cứ qua mỗi địa danh, trong tâm trí tôi lại hiện lên những sản vật đặc trưng của nơi đó, dù mặt đường toàn đá gộc, với những đoạn làm đường, sửa đường liên tục, dù nhỏ hẹp, dù xóc nảy, dù quanh co đèo cao dốc lên như dựng đứng, dốc xuống như thả trôi nơi vực thẳm, nhưng những khung cảnh màu xanh núi rừng và những thửa ruộng bậc thang nối dần từ thấp đến cao, những triền núi đá hùng vĩ tưởng chừng như gần ngay trước mắt, những con đập tràn nước chảy suốt ngày đêm, hay những cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân địa phương ở những chốn mà xe đi qua như đang liên tục chiếu những thước phim bình dị về một nơi vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa gai góc thách thức nhưng cũng đầy sức hấp dẫn, mê hoặc vô cùng, khiến cho chúng tôi quên hết những mệt mỏi của những chặng đường dài tiếp nối, không những thế lại vẫn đầy năng lượng để háo hức xuống xe chụp những bức hình ghi lại vẻ đẹp vùng sơn cước!
Cảnh sắc vùng cao trên đường đi Y Tý
Theo những con đường gập ghềnh, xóc nảy dần đi qua, chúng tôi cũng đến được Y Tý sau ba tiếng đồng hồ ngồi xe!
Trong ánh nắng chan hoà mà ông trời hào phóng ban tặng cho Y Tý lúc này, dù biết là buổi khai mạc lễ hội Khu Già Già đã kết thúc từ lâu, và chợ lúc này có thể đã chẳng còn ai nữa, nhưng bởi, với tôi, “Chợ vùng cao” vẫn luôn hấp dẫn như một loài hoa đẹp nhất, rực rỡ sắc màu nhất, nên dù lúc này có thể đã không còn cảnh tấp nập, bông hoa đã không còn ở độ tươi thắm, thì vẫn khiến bước chân tôi phải lập tức đi đến, kiếm tìm! Tôi xuống chợ Y Tý vào lúc đã hơn bốn giờ chiều, chỉ còn lác đác vài người đang thu dọn hàng hoá để trở về sau một ngày tấp nập, tôi đi vào ngôi chợ chính và chiêm ngưỡng bức phông bạt in chữ Lễ hội Khu Già Già, thể hiện những điểm đặc trưng đẹp nhất của người Hà Nhì nơi này.
Khai mạc Lễ hội Khu già già được tổ chức trong Chợ Y Tý
Thật may mắn cho 1 người có tâm hồn ăn uống dạt dào, tôi vẫn còn kịp được thưởng thức món bánh quen mà lạ, bánh rán là một loại quà quê quen thuộc xuất hiện trong hầu khắp các vùng quê Việt Nam, bởi bánh được làm từ bột gạo, nhưng thay vì màu vàng ruộm thường thấy như ở miền xuôi, thì bánh rán ở đây được mặc lên một màu sắc mới, màu tím nhẹ nhàng yêu kiều của gạo nếp cẩm! Vị ngọt vừa phải, sự mềm dẻo của bột bánh, hương thơm thanh nhẹ của nếp cẩm quấn quít nơi khứu giác và nơi đầu lưỡi sẽ khiến bạn ăn một rồi lại muốn ăn hai! Một món quà chiều nhẹ nhàng và thú vị! Bước ra sân chính của chợ, giữa cảnh trống vắng của nơi vốn phải len chặt hàng hoá nông thổ sản và người mua kẻ bán, thì trong cảnh đã tan chợ chiều, chỉ còn hiện lên thật nổi bật là một cây cột đánh đu, và một cây gỗ bập bênh cao của người Hà Nhì! Cả hai đang được điểm tô, làm cho thật sôi động và màu sắc bởi lũ trẻ vùng cao với mái tóc đều vàng nâu vì cháy nắng, trong những trang phục vốn dĩ là đẹp nhất, nhưng sau cả ngày quần thảo khắp chốn chợ này thì nay đã nhăn nhúm, lem nhem, nhưng chẳng hề gì, bởi trên mặt đứa nào cũng nở rộ những đoá hoa cười rạng ngời, vui vẻ!
Không vui sao được khi mà ta đang bay vút lên như một chú chim kiêu hãnh, bay lên từ bệ phóng là chiếc bàn đạp của cây đu, với tiếng hò reo cổ vũ của chúng bạn, hoà cùng âm thanh kẽo kẹt hứng khởi của cây đu bằng tre; còn bên này là chiếc bập bênh cao bằng gỗ vô cùng hấp dẫn mà tôi cũng may mắn được bọn trẻ cho phép leo lên chơi cùng. Để có thể cân 1 mình tôi, thì cô bé đằng kia phải gọi thêm 2 cô bé khác để cùng hỗ trợ, thì chiếc bập bênh mới có thể cân bằng ở trên cao cách mặt đất chừng một mét! Rồi như những nghệ sĩ làm xiếc, từng cô bé đứng lên, thoăn thoắt di chuyển ra điểm giữa của đu, rồi nhảy xuống, hạ tôi xuống thấp dần, và đến khi tôi đã ở sát mặt đất, định đi tới để bế cô bé còn lại xuống, thì đã thấy cô đứng lên, như một diễn viên múa, nhẹ nhàng đi trên bập bênh như đi trên mặt đất, di chuyển một chút rồi nhảy xuống nền sân từ độ cao hơn 1,3m, cao hơn bé cả một cái đầu! Nhìn vậy thôi, nhưng các bé cũng đều ở lứa tuổi đang học lớp 4-5-6 cả rồi! Thấy tôi lo lắng, các bé cười rộ lên rồi chạy vút đi, như những cô tiên xanh tinh linh hồn nhiên và vui vẻ!!!
Cảm ơn các bé, kịp mua thêm mấy xiên chân nấm nướng, đúng lúc đoàn tôi di chuyển, tôi mang theo niềm vui còn hiện rõ trên nét mặt, đi ra cổng chợ, lại bắt gặp một vài cụ già người Hà Nhì bên những mẹt mận rực đỏ, mẹt đương quy lá xanh dài mượt với phần củ trắng xinh xinh, hay những túi ớt xanh xanh đỏ đỏ xinh đẹp và tươi tắn, nhưng mà chỉ nghĩ thôi thì tôi cũng đã thấy cay chảy nước mắt rồi!
Theo sự hướng dẫn của gg map và sự chỉ đường của người dân, chúng tôi tiếp tục đến với thôn Choản Thèn, điểm đến mục tiêu của chuyến đi này!
Chỉ di chuyển hai kilomet từ chợ Y Tý, chúng tôi đã đến với Thôn Choản Thèn, một địa danh quá xa xôi nhưng không hề xa lạ với dân phượt hoặc những người đam mê những vẻ đẹp của thiên nhiên, rừng núi, với tên gọi trên công cụ google map là “Công viên Choản Thèn”, hay “Choan Then Park” khi bạn tìm kiếm trên internet bằng tiếng Anh!
Nhìn qua cửa sổ ô tô, tôi đã thấy một bầu trời mỹ lệ xanh trong nắng vàng chói loà, những nếp nhà trình tường nhỏ xinh như những cây nấm mọc cao lên giữa màu xanh của lúa non trên những thửa ruộng bậc thang quen thuộc, nên đi qua cổng thôn, tôi không thể kìm nén được mà nhất định xuống xe đi bộ, tôi không muốn bỏ qua bất kỳ một vẻ đẹp nào của nơi này!
Nằm ở độ cao gần 2000m so với mặt nước biển, nên dù nắng chói chang nhưng nơi đây vẫn không hề nóng bức mà lại thật mát mẻ, bầu không khí mát lành như sẵn lòng cung cấp cho tất cả mọi du khách nguồn năng lượng dồi dào, khiến tất cả mỏi mệt đường dài đều bị bỏ lại phía sau! Bầu trời vùng cao dường như thẳm xanh hơn, mây dường như cũng trắng bông, tinh khiết hơn, mặt trời dường như cũng gần hơn, nên chói chang hơn chăng, mà sao tôi thấy mọi thứ rõ ràng và thực chất đến vậy? Như thể tôi đã được thanh lọc, được tẩy trần, được gột rửa hết những âu lo, những buồn phiền thường nhật… chỉ trong giây phút tắm mình trong không gian này!
Cảnh quan đầu thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai
Sau khi được nạp năng lượng tươi mới, chúng tôi bắt đầu đi thăm thôn bản, theo những bức tường xếp đá cao chừng 80-90cm rất đặc trưng ở những vùng núi đá, chúng tôi vào từng nhà, thăm hỏi những người dân! Ở ngôi nhà đầu tiên, tôi cười tươi chào hỏi những đứa trẻ đang tung tăng đùa nghịch bên ngoài, đi qua cây sào được treo ngay ngắn những bộ quần áo đầy màu sắc, chúng tôi bắt gặp một không gian rộn ràng, mọi người trong nhà đang bận tíu tít, những người phụ nữ bận rộn ra ra vào vào với những vật dụng gia đình trên tay, và vui vẻ chào đón chúng tôi, những người khách lạ vào tham quan ngôi nhà của mình, trong lúc vẫn giữ cho bếp luôn đỏ lửa! Hình như họ vừa mổ lợn xong, và những người đàn ông đang bận rộn pha thịt trong căn bếp ngập tràn ánh nắng, việc mổ lợn này là một phần trong lễ hội Khu già già, thờ cúng thần linh, thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình! Trong ánh nắng chiếu rọi qua mái gianh, qua chiếc cửa sổ hình chữ nhật, phản chiếu lên tường đất, tạo nên những dải lung linh hiển hiện trong căn bếp, chiếu sáng lên những người đàn ông đang bận rộn, bỗng tôi xuất hiện cảm giác kỳ lạ, mê hoặc, như thể mình như đang lạc vào một không gian thần thánh, mà ở đó mỗi người như đang được thần linh bảo hộ, chiếu rọi trong nguồn ánh sáng thánh khiết từ tâm linh, làm cho tôi bỗng thấy xung quanh dường như trở nên im lặng, chỉ còn lại hình ảnh này, phút giây này, lắng đọng như trong một bức tranh Ánh Sáng!
Những nếp nhà trình tường truyền thống 4 mái hoặc 2 mái dốc tùy theo diện tích ngôi nhà, nhà lớn thường là nơi ở của gia chủ, nhà nhỏ thường là bếp hoặc chuồng nuôi gia súc
Sau vài câu chuyện, tìm hiểu về lễ hội và phong tục, chúng tôi xin phép họ để chụp vài bức ảnh về cuộc sống và ngôi nhà truyền thống! Những ngôi nhà của người Hà Nhì ở Y Tý hầu hết đều có kiến trúc là nhà trình tường mái dốc, bốn mái hoặc hai mái tuỳ theo diện tích lớn nhỏ của từng nhà, nhà lớn thường là nơi ở của gia chủ, nhà nhỏ thường là bếp hoặc chuồng nuôi gia súc, trong nhà có gác để cất giữ ngô, thóc, gạo, bảo quản chúng để tránh sự ẩm ướt của thời tiết trong những mùa đầy mưa, mây mù, sương giá và rét buốt! Những bức tường trình bằng đất dày từ 50-70cm, giúp cho trong nhà được ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Mái nhà thường được lợp gianh, nhưng theo thời gian dần cũng có sự thay đổi, được lợp bằng những vật liệu hiện đại hơn, nhưng nhiều gia đình vẫn phủ mái gianh hoặc gỗ lên trên lớp vật liệu hiện đại đó, nên ngôi nhà vẫn giữ được dáng vẻ truyền thống. Đất mẹ che chở cho cuộc sống, nuôi dưỡng những người con Hà Nhì lớn lên, trưởng thành, đời nối đời sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà bằng đất, ấm áp và yêu thương như vậy!
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, một số gia đình xây mới những ngôi nhà trình tường đã cũ, thay thế bằng tường gạch, nhưng được quét vôi ve hoặc sơn màu vàng đất cho ngôi nhà, và vẫn với khung cửa gỗ đặc trưng, mái nhà dù có thể lợp fibro xi măng hay lợp tôn thì cũng được phủ lên mái gianh trên cùng, cho thấy sự gắn kết của người dân với nếp nhà truyền thống vẫn vô cùng sâu sắc và bền vững, do đó nhìn từ bên ngoài, thì những ngôi nhà mới đó vẫn mang dáng vẻ xưa, hài hoà với cảnh quan xung quanh. Mặc dù vậy, số lượng những ngôi nhà trình tường truyền thống ở trong thôn vẫn chiếm đa số. Ngoài ra, do nhận thấy được lợi ích từ các hoạt động du lịch, đón khách, nên một số hộ gia đình đã cải tạo nhà trình tường theo hướng cơi nới, mở rộng, sử dụng các vật liệu chủ yếu là sắt hộp, inox, nhằm làm tăng diện tích sử dụng, để phục vụ đón khách theo hình thức homestay. Tuy nhiên, việc sử dụng các vật liệu mới chưa thực sự khéo léo khiến cho hoạt động này vô hình chung làm giảm đi phần nào vẻ đẹp duyên dáng vốn có của ngôi làng.
Những ngôi nhà trình tường ẩn hiện sau những lùm cây, màu vàng của ngôi nhà như một điểm sáng tô thêm dáng vẻ xinh đẹp cho bức tranh màu xanh rừng núi! Tôi đi theo một con đường đất ngoằn ngoèo, trồi sụt bùn lầy, nhưng ở cuối con đường thực sự là một chốn thế ngoại đào viên, tôi bị hớp hồn bởi một ngôi nhà nằm khuất sau những hàng cây nào đào, nào mận! Tôi bắt gặp giấc mơ của mình nơi thực tại, với 1 ngôi nhà nhỏ màu vàng đất, xung quanh trồng thật nhiều cây hoa đào, mùa xuân nở rộ những đoá mong manh màu hồng phai, mùa hè ra quả giòn giòn, chua chua nhẹ, với những đốm hổ phách long lanh điểm xuyết trên thân đào xù xì; thỉnh thoảng trồng xen vào đó một vài cây hoa mận, tháng giêng nở hoa trắng muốt mơ màng, tháng sáu mọng đỏ những quả lúc lỉu trên cành, bao quanh một lớp phấn trắng mịn, chỉ cắn nhẹ thôi là tứa ra những dòng mận đỏ ngọt ngào, thơm ngon, quyến rũ! Tôi sẽ mắc võng dưới gốc đào, gốc mận, để nằm đó đung đưa nhè nhẹ, ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây! Bên cạnh đó là cái sân con, nơi tôi đặt chiếc chõng tre, nằm ngắm sao trong những đêm quang mây trong lành!
Vẻ duyên dáng của những ngôi nhà trình tường truyền thống ẩn sau hàng rào xếp đá hộc và những rặng cây đào, mận đặc trưng vùng núi cao
Con đường nhỏ đưa chúng tôi đến với nhà văn hóa của thôn Choản Thèn. Nhìn từ bên ngoài, nhà văn hóa thôn được xây dựng với hình thức kiến trúc nhà trình tường truyền thống, với 04 mái dốc lợp gianh, bên ngoài có sân rộng, là sân chơi chung cho trẻ em trong thôn bản, cũng như là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa tập thể của người dân địa phương, bên trong có gác, cửa sổ hình chữ nhật nhỏ xinh, soi tỏ các hoạt động vui chơi của các em nhỏ Hà Nhì. Bước vào bên trong, đây là nơi trưng bày các đồ dùng, vật dụng truyền thống trong các gia đình Hà Nhì, giới thiệu cho du khách về cuộc sống và văn hóa của người Hà Nhì nơi đây, đồng thời cũng là một điểm được bố trí để đón khách du lịch nghỉ lại khi lượng khách đến tham quan đông vượt quá khả năng bố trí của các ngôi nhà homestay trong thôn bản.
Nhà văn hóa thôn Choản Thèn và các đồ trưng bày
Sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến những bể nước chung của thôn, nơi mà tôi luôn thấy có các hoạt động thường ngày của người dân diễn ra ở đó! Có ba bể nước chung của thôn được đặt ở các vị trí đầu thôn, giữa và cuối thôn. Nguồn nước được sử dụng ở đây đều là nước suối, nước khe sâu được dẫn về từ trên núi cao, với những quy tắc đảm bảo vệ sinh đầu nguồn.
Trời trở về chiều, bên bể nước, những người mẹ tắm cho đứa con nhỏ của mình, những người phụ nữ thả mái tóc dài, dùng làn nước mát lành thong thả gội đầu, hay chỉ đơn giản là vài người cùng nhau rửa chân tay sau buổi đi làm đồng, và cùng rôm rả trò chuyện, những câu chuyện bên bể nước, gần gũi thân thương gắn kết tình làng nghĩa xóm!
Những nụ cười bên bể nước chung
Bầu trời nơi đây đặc biệt lắm! Ban ngày thì dường như xanh trong hơn, ban đêm thì dường như nhiều sao hơn, và sao thì cũng sáng hơn ở miền xuôi, ngẩng lên nhìn bầu trời đêm, tôi có thể đếm được bao nhiêu vì sao đang lấp lánh! Tôi lại tự miên man sắp xếp những ngôi sao thành những hình thú vị nào đó chợt nảy ra trong đầu, giống như cái cách mà tôi nằm ngắm mây, rồi hình dung đám mây này giống con voi, đám mây kia hình con ngựa…vậy!
Đêm tháng 7 ở Y Tý trong veo như vậy đấy, tôi khoác chiếc áo khoác mỏng, ngồi ngoài sân, và chuyện trò bên những người bạn, những câu chuyện dài vô tận, mà nếu không vì ngày mai muốn dậy sớm đón bình minh, thì sẽ không dừng lại. Giấc ngủ nhanh chóng tìm đến trong ngôi nhà homestay có tên gọi Hà Nhì House, giữa tháng 7 mà không cần quạt, không cần điều hoà, chỉ cần chăn bông và đệm dày trắng muốt mà chủ nhà đã chu đáo chuẩn bị cho chúng tôi!
Ánh sáng từ phía sau ô cửa sổ nhỏ đánh thức tôi! Sáu giờ sáng, bước ra đường là rộn vang tiếng chó gọi bạn! Ở các vùng thôn bản miền núi như thế này, loài vật thường gặp nhất chính là loài chó! Những chú chó luôn là những chiến binh bảo vệ tận tâm, trông giữ giấc ngủ bình yên cho loài người! Xuôi theo con đường chính của thôn, tôi đến với “công viên Choản Thèn” nổi tiếng trên các diễn đàn dành cho người trẻ ưa xê dịch! Gọi là công viên, nhưng thực chất nơi đây chỉ là một khoảng sân trống ở cuối làng, với một chiếc lán nhỏ (chiếc lán này có ý nghĩa tinh thần vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi này.) và điểm nhấn là 2 cây rất lớn, mọc song song, cao vút, thân to vừa một vòng ôm của người lớn, nhìn ra khoảng không gian bao la trước mắt, quả là một điểm kết thúc hoàn hảo cho hành trình tham quan thôn Choản Thèn! Mà bởi có hai cây cao lớn đứng song song chẳng biết đã qua bao nhiêu năm tháng, nên người dân nơi đây gọi đây là 2 cây Hạnh Phúc, có lẽ cũng là mơ ước của người dân về một tình yêu đẹp, vĩnh cửu, trường tồn cùng năm tháng. Đây thật sự là một điểm đến tuyệt vời cho những ai đang hò hẹn, những đôi lứa đang đắm say trong tình yêu!
Công viên Choản Thèn
Tạm biệt Y Tý một buổi sáng trong lành, tôi cứ ngập ngừng nuối tiếc, và lòng tự dặn lòng, sẽ quay trở lại nơi đây một lần nữa, để gặp lại những người dân thân thiện, vui vẻ này, để được tắm mình trong bầu không khí thanh tân mát mẻ này, và để tiếp tục nối dài những yêu thương mà tôi đã cảm nhận ở nơi đây!
Choản Thèn, Y Tý, ngày 03 tháng 7 năm 2022
KTS. Đỗ Mai Liên
nguồn: https://vienkientruc.vn/y-ty-diem-hen-chon-non-cao/
Leave a Reply