Băng rừng leo đỉnh Nhìu Cồ San

BÁT XÁT – LÀO CAI

Nhìu Cồ San (2.965 m) là đỉnh núi cao thứ 9 tại Việt Nam thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, thu hút phượt thủ bởi vẻ hoang sơ và thảm thực vật phong phú.

Nhìu Cồ San trong tiếng dân tộc H’Mông có nghĩa là “sừng trâu”. Núi nằm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách Sa Pa khoảng 60 km. Hiện nay, du khách muốn trekking đỉnh núi này thường đón xe khách đến Sa Pa, đi tiếp tới xã Dền Sáng (trên đường đi qua UBND huyện Bát Xát để khai báo di chuyển), tiếp tục đón xe ôm của dân địa phương tới bản Nhìu Cồ San. Cung đường cuối cùng từ Dền Sáng đến Nhìu Cồ San chưa đến 10 km nhưng đầy đá hộc và dốc cao chỉ tay lái cứng bằng xe máy mới đi được.

Lối trekking từ bản lên núi sẽ bắt đầu ở con đường hai bên là ruộng bậc thang mùa cạn nước, chỉ còn trơ gốc rạ và những bờ rào đá thô sơ.

Hành trình chinh phục Nhìu Cồ San thường đi qua thác Ong Chúa về đường bãi thả dê hoặc ngược lại. Nếu chọn đi thác Ong Chúa sẽ có nhiều cây cối lớn che bóng mát và nhiều suối thác dễ tìm được chỗ nghỉ chân. Trong khi đó, đường bãi thả dê không quá dốc và đa phần là cây bụi, cỏ thấp, không có suối thác nên ngày nắng nóng đi sẽ mất sức hơn.

Đoạn đường qua thác có nhiều cầu gỗ, cảnh đẹp nhưng dốc cao liên tục, đi ngày mưa dễ trơn trượt, song ngày nắng đẹp du khách dừng nghỉ có thể chụp được nhiều ảnh ưng ý hơn.

Những con dốc có lối đi nhỏ hẹp, nhiều đoạn nằm rìa vách đá, bên vực bên núi đá chênh vênh. Chính vì thế dân phượt đánh giá Nhìu Cồ San không phải đỉnh núi dành cho người mới biết leo dù cung đường không quá dài.

Một trong những đặc điểm thu hút du khách đến cung đường trekking Nhìu Cồ San là thảm thực vật phong phú. Địa hình thay đổi rõ rệt khi đi từ chân núi lên đỉnh, phía dưới chủ yếu cây bụi, đồng cỏ, vách đá, lên cao hơn là rừng thảo quả xanh mướt, rừng nguyên sinh, thân gỗ lớn, tiếp nữa là các loại cây lá kim, rừng hỗn hợp.

Cả trên đường đi thác Ong Chúa và qua bãi thả dê khi về đều có những cây phong nằm rải rác, xen lẫn giữa màu xanh của rừng là màu lá đỏ, vàng rực rỡ. Du khách chỉ bắt gặp lá phong đỏ, vàng vào tháng 11, 12. Đến tháng 1 trời lạnh hơn sẽ có băng giá, đôi khi có tuyết phủ trên đỉnh, và tháng 3-4 (cuối mùa leo núi) Nhìu Cồ San lại “chiêu đãi” du khách bằng sắc đỏ, tím, vàng của hoa đỗ quyên.

Góc trái trên là lán và khu cắm trại nghỉ qua đêm của các đoàn leo núi. Ngày đầu tiên, nếu xuất phát ở chân núi từ trưa, du khách vừa đi vừa nghỉ sẽ tới lán trại vào khoảng 17h – 18h kịp lúc trời tối. Khu lán chỉ đủ chỗ cho khoảng 60 – 70 người, không nằm cạnh suối nhưng có đường dẫn nước từ suối cách đó 300 m. Hiện tại, cuối tuần nhu cầu khách leo núi tăng, lán không đủ chỗ, nhiều đoàn phải dựng lều xung quanh để nghỉ.

Nghỉ đêm tại lán, sáng sớm hôm sau khoảng 5h – 6h ăn sáng để tiếp tục lên đỉnh Nhìu Cồ San. Quãng đường này tốn khoảng 2 tiếng. Di chuyển trước lúc trời sáng nên chú ý mang theo đèn pin đội đầu. Đồ đạc còn lại có thể gửi ở lán. Nhiệt độ về đêm và sáng sớm ở Nhìu Cồ San tháng 12 này dao động từ 2 – 10 độ C, khách đi leo núi cần mặc đồ thật ấm.

Trên đường tới đỉnh bắt gặp bình minh lên. Những ngày đẹp trời hơn dịp cuối năm này còn tạo điều kiện xuất hiện biển mây bồng bềnh. Chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh Nhìu Cồ San với chóp inox xong, phóng tầm mắt xa hơn ra xung quanh, du khách có thể thấy cả đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, Lảo Thẩn…

Check-in xong du khách trở về lán nghỉ trưa, xuống núi và đón xe quay lại Sa Pa kết thúc hai ngày leo núi.

Đỉnh Nhìu Cồ San có thể chinh phục trong 2 ngày 1 đêm với chi phí 1,5 – 2,5 triệu đồng/người tùy vào đi tour hoặc tự túc. Đỉnh “sừng trâu” Nhìu Cồ San hiện đón rất đông khách dịp cuối tuần. Nếu được du khách nên chọn ngày trong tuần hoặc đặt sớm các dịch vụ để đảm bảo chỗ ăn ngủ và chú ý rèn luyện sức khỏe trước khi đi.

Hương Chi

nguồn: https://vnexpress.net/bang-rung-leo-dinh-nhiu-co-san-4399278.html

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *